Giải đáp 4 câu hỏi hay gặp về cách liệt kê chứng chỉ trong CV xin việc

06/05/2024

Mỗi phần thông tin trong CV xin việc đều mang vai trò và ý nghĩa riêng, góp phần làm nên thành công cho ứng viên khi tham gia ứng tuyển. Sau đây, hãy cùng Cổng việc làm trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội giải đáp 4 câu hỏi hay gặp về cách liệt kê chứng chỉ trong CV xin việc nhé.

/cach-liet-ke-chung-chi-trong-cv

1. Nên liệt kê chứng chỉ ở phần nào trong CV?

Với những người chưa có kinh nghiệm, thường họ sẽ khá bối rối không biết phải gộp phần chứng chỉ vào mục Trình độ học vấn hay tách riêng ra thành 1 mục Bằng cấp và chứng chỉ. Câu trả lời là cả 2 cách trên đều được. Tuy nhiên, nó sẽ còn phụ thuộc nhiều vào số lượng chứng chỉ bạn đưa vào CV cá nhân.

Nếu bạn đã có nhiều kinh nghiệm làm việc, đạt được nhiều giải thưởng, chứng chỉ liên quan tới vị trí công việc đang ứng tuyển thì nên đưa ra thành 1 mục riêng để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng. Còn nếu như bạn là sinh viên năm cuối hoặc mới ra trường, hãy gộp chung phần chứng chỉ vào các hoạt động để tạo ấn tượng, giúp nhà tuyển dụng thấy được sự năng nổ, nhiệt huyết của mình nhé.

2. Chứng chỉ như nào thì có thể liệt kê vào trong CV?

Người trẻ hiện nay ngày càng tài năng, có thể tự tìm hiểu và thu thập cho mình nhiều chứng chỉ, bằng cấp thuộc mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, không phải cứ có cái gì cũng ghi hết vào CV. Làm như vậy sẽ khiến thông tin bị "loãng", không tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.

Muốn biết chứng chỉ như nào thì có thể liệt kê vào CV của mình, bạn cần hiểu rõ:

- Lĩnh vực và vị trí công việc mình đang ứng tuyển vào liên quan đến điều gì?

- Yêu cầu về bằng cấp của vị trí đó như thế nào? (Có thể đọc JD hoặc hỏi trực tiếp phía tuyển dụng để trả lời).

- Bản thân có những chứng chỉ nào đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng đưa ra?

Ví dụ bạn ứng tuyển cho vị trí phiên dịch viên Anh - Việt, bắt buộc bạn phải có những chứng chỉ tiếng Anh như IELTS, Toeic, Cambridge,... Hoặc nếu cũng ở vị trí phiên dịch nhưng là Pháp - Việt, bạn cần các chứng chỉ như DELF, DALF, TCF,... ở mức thang điểm nhất định.

Hãy chọn lọc thật kĩ các chứng chỉ cần thiết cho vị trí công việc đang ứng tuyển, tránh viết lan man, dài dòng, dễ gây mất thiện cảm với nhà tuyển dụng nhé.

3. Nên liệt kê chứng chỉ theo thứ tự như thế nào?

Giống như cách sắp xếp kinh nghiệm làm việc trong CV xin việc, chứng chỉ cũng nên được xếp theo thứ tự giảm dần về mức độ quan trọng. Những chứng chỉ nào liên quan nhất tới công việc đang ứng tuyển, được nhà tuyển dụng trực tiếp yêu cầu thì nên để lên đầu. Còn nếu bạn có nhiều chứng chỉ/ giải thưởng/ bằng cấp hơn thì nên xếp chúng xuống phía dưới để tạo thêm ấn tượng. Tuyệt đối hãy tránh liệt kê chúng 1 cách "vô tổ chức", lộn xộn, tránh gây mất thiện cảm nhé.

4. Có cần phải mô tả chi tiết về chứng chỉ trong CV không?

Để trả lời câu hỏi này, bạn cần nghiên cứu kĩ JD (Job Description) để trên website tuyển dụng có yêu cầu mô tả chi tiết hay không. Tuy nhiên trên thực tế, với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, nhà tuyển dụng cũng thừa biết chứng chỉ bạn đạt được thuộc lĩnh vực gì, thời hạn như nào, độ khó ra sao.

Vậy nên, nếu muốn diễn tả, bạn chỉ cần ghi 1 cách thật cô đọng tên chứng chỉ, thời gian cấp - đơn vị/ tổ chức cấp là được. Đặc biệt nếu bạn có thành tích rất tốt, đạt được rất nhiều chứng chỉ, bằng cấp có liên quan tới vị trí đang ứng tuyển thì nên viết ngắn gọn, tránh vượt quá dung lượng cho phép của CV nhé.

Trên đây là phần giải đáp cho 4 câu hỏi hay gặp nhất khi liệt kê phần chứng chỉ trong CV xin việc. Hãy nhớ đảm bảo 2 yếu tố ngắn gọn - cụ thể để CV của bản thân đạt được hiệu quả cao nhất nhé. Hi vọng bài viết đã đem lại cho bạn nhiều thông tin hữu ích. Chúc bạn sớm hoàn thiện CV và có được công việc ưng ý.